Chợ vùng cao Sapa

Chợ Mường Khương

Chợ Mường Khương
Ngoài chợ tình Sa Pa, chợ ngựa Bắc Hà, chợ trâu Cán Cấu… đã lừng danh, Lào Cai còn có một phiên chợ đặc biết khác: Chợ mi chiến ở Mường Khương.Họa mi vẫn được giới chơi chim coi như loài chim số một “Nhất mi, nhì khuyên, tam chòe, tứ mào”. Chợ chim họa mi có cái gì đó vừa nguyên sơ lại vừa cao sang quyền quý.
 
Chợ họp vào buổi sáng chủ nhật hàng tuần ở một con đường nhỏ sát khu chợ phiên huyện Mường Khương (Lào Cai). Đây là một trong những điểm thu hút khá đông du khách, nhất là khách quốc tế mỗi khi tới thăm vùng cao này. Nơi đây mỗi phiên thu hút hàng trăm lượt người tới mua bán, trao đổi chim hoạ mi với doanh số giao dịch khoảng trên dưới 100 triệu đồng
 
Khu chợ này không có bóng dáng của phụ nữ người địa phương , nếu có bóng hồng nào đó tới thăm chợ là du khách từ Sa Pa sang hoặc ngoài thành phố Lào Cai vào.Nơi đây chỉ có bán và mua hay đổi một mặt hàng duy nhất là chim hoạ mi chiến (chim hoạ mi đực chuyên hót và thi đá nhau) với giá chào bán thường là “trên trời, dưới biển”. Nếu biết chọn mua vẫn có thể chọn được những chú hoạ mi có dáng đẹp, hót hay với giá bán vừa phải.
 
Khi mua khách sẽ được người bán tư vấn miễn phí cách chăm sóc hoạ mi và hướng dẫn mua lồng chim đẹp hơn cùng thức ăn cho chim được chế biến sẵn cũng được bày bán trong chợ này.Ông Hảng Văn Phù, hơn 70 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Mường Khương là một trong những người chơi chim hoạ mi có tiếng và cũng là  người có kinh nghiệm chọn mua loài chim quý này cho chúng tôi biết, có “những con mi chiến Mường Khương giá bán sang Trung Quốc cả nửa cây vàng, còn giá bán một vài triệu đồng là chuyện bình thường. Muốn nuôi chim phải chịu khó, còn lười chăm sóc chim thì đừng có nuôi hoạ mi mà tốn tiền.Chim hoạ mi nào có giọng hót cao, lông mượt, cánh thẳng, không nhảy loạn xạ khi nhìn thấy người lạ…  thì đấy là chim hoạ mi chiến của Mường Khương, chọi giỏi và có tiếng hót tuyệt vời.
 
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn là người dân tộc Pa Dí, quê ở xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương rất tự hào về chợ chim họa mi và nét văn hóa chơi chim họa mi của người xứ Mường quê ông. Theo nhà thơ, chợ chim Mường Khương càng nổi tiếng hơn vì có một con “mi bạc” bên Hà Giang mang sang bán cách đây vài năm, được một tay chơi người Hồng Kông mua với giá… tương đương một đàn trâu. Sau mỗi phiên chợ, có hàng trăm con họa mi từ chợ Mường Khương được thương lái mua xuất khẩu sang Trung Quốc và chuyển xuống các thành phố lớn dưới xuôi bán cho các đại gia chơi chim.
 
Trước đây, người dân tộc vùng cao có thú đi bẫy chim về nướng uống rượu, còn ngày nay họ lại say mê nuôi và luyện chim họa mi để có miếng chọi hay; trong số đó có những người trở nên khấm khá từ kinh doanh chim họa mi. Đó cũng là nét độc đáo của chợ chim họa mi Mường Khương thời mở cửa.
Xem thêm


Tư vấn du lịch Sapa
Đặt bàn nhà hàng